Thứ Hai, 17/06/2024, 19:10
31.2 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Kỳ vọng kinh tế TPHCM tái lập đỉnh tăng trưởng vào 2025-2026

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, TPHCM phấn đấu giải quyết các điểm nghẽn, khó khăn về cơ chế, để kinh tế thành phố tái lập đỉnh tăng trưởng vào năm 2025-2026.

Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra sáng 15-7 – Ảnh: Cổng thông tin Thành ủy TPHCM

Cổng thông tin Thành ủy TPHCM cho biết, tại hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra sáng 15-7, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đánh giá, kinh tế thành phố có lúc đạt tăng trưởng hai con số, gấp 1,5-1,6 lần so với bình quân chung cả nước nhưng giảm dần trong 10 năm qua, chạm đáy vào quí 1 năm nay khi chỉ đạt 0,7%.

Đây là thời điểm bộc lộ rõ nhất những tồn tại tích tụ nhiều năm qua do cơ chế kinh tế TPHCM chậm được tái cơ cấu, thế chế quản lý đô thị trên 10 triệu dân còn bất cập. Ngoài ra, các công trình, dự án hỗ trợ cho chuyển dịch tái cơ cấu kinh tế cũng như tạo không gian phát triển cho thành phố chậm được triển khai.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, những năm qua, 3 đột phá chiến lược từ thể chế, hạ tầng đến nguồn nhân lực đều có điểm nghẽn và biểu hiện rõ nhất ở TPHCM. Đó là những điểm tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế – xã hội, khiến vị trí đầu tàu của TPHCM có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, với những tiền đề đã được tạo ra, dự báo kinh tế TPHCM sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tái lập đỉnh tăng trưởng vào khoảng năm 2025-2026. Cùng với đó, các xu hướng mới của kinh tế thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo sẽ tác động tích cực và là điều kiện để thành phố chuyển mình, phát triển mạnh mẽ.

TTXVN đưa tin, kinh tế TPHCM trong quí 2-2023 được đánh giá đã lấy lại đà tăng trưởng, đạt 5,87%, giúp GRDP nửa đầu năm ước tăng 3,55%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 298.000 tỉ đồng, tăng lần lượt 13% và 9% so với quí 1 và cùng kỳ 2022.

Về đầu tư công, vốn thực hiện quí 2 của thành phố ước hơn 10.260 tỉ đồng, tăng trên 89% so với quí 1 và 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng, ước thực hiện gần 15.700 tỉ đồng, tăng 43,9%.

Tại hội nghị, báo cáo của UBND thành phố đưa ra các nhóm giải pháp về kinh tế – xã hội trọng tâm trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Thành phố sẽ rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, tạo không gian phát triển mới bao gồm không gian ngầm, sông, biển.

TPHCM tiếp tục xác định phát triển đô thị đa trung tâm với thành phố Thủ Đức là đô thị sáng tạo, tương tác cao ở phía Đông, Cần Giờ là đô thị sinh thái biển, đô thị khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm, đô thị Tây Nam với Bình Chánh là cửa ngõ với Đồng bằng sông Cửu Long và đô thị Tây bắc gồm Củ Chi – Hóc Môn. Một trong những điều kiện để sớm hình thành các đô thị này là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống Metro với mô hình TOD theo Nghị quyết 98/2023/QH15.

Thành phố cũng sẽ giải quyết tồn đọng, ưu tiên tập trung nguồn lực để xử lý hiệu quả những dự án đang trì trệ nhiều năm như dự án chống ngập của thành phố, khu đô thị Thủ Thiêm, Safari ở Củ Chi, khu Bình Quới – Thanh Đa… Bên cạnh đó, thành phố rà soát toàn bộ quỹ đất do nhà nước quản lý để khai thác sử dụng hiệu quả.

TPHCM huy động các nguồn lực xã hội thông qua triển khai Nghị quyết 98, các cơ chế chính sách thí điểm, đặc thù vượt trội để phát triển. Tập trung nguồn lực cả đầu tư công và đầu tư xã hội để chỉnh trang, phát triển đô thị, y tế, giáo dục và an sinh xã hội.

Tái cấu trúc TPHCM với định vị trở thành trung tâm tài chính quốc tế, thương mại quốc tế, hội chợ triển lãm quốc tế, khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực. Đồng thời, thành phố cũng định vị lại chiến lược công nghiệp và không gian phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Nghiên cứu phát triển các mô hình kinh tế đêm, kinh tế ven sông – hướng biển.

Toàn cảnh 6 cống ngăn triều của dự án 10.000 tỉ đồng chống ngập cho TPHCM. Ảnh MH
TPHCM phấn đấu giải quyết các điểm nghẽn, khó khăn về cơ chế, để kinh tế thành phố tái lập đỉnh tăng trưởng vào năm 2025-2026. Ảnh minh họa: MH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới