Thứ Sáu, 17/05/2024, 06:08
28.4 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Saudi Arabia gia hạn cắt giảm sản xuất 1 triệu thùng/ngày sang tháng 9

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dù giá dầu đang phục hồi trong những tuần gần đây, Saudi Arabia tuyên bố kéo dài cam kết cắt giảm sản xuất tự nguyện 1 triệu thùng/ngay sang tháng 9 và có thể gia hạn hơn nữa nếu cần thiết. Bloomberg Economics nhận định, Riyah dường như muốn đấy giá dầu Brent lên sát mức 100 đô la/thùng để tăng nguồn thu năng lượng và tài trợ cho chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng.

Quyết định gia hạn cắt giảm sản xuất 1 triệu thùng dầu/ngày của Saudi Arabia càng siết chặt thêm nguồn cung dầu toàn cầu. Ảnh: AFP

Quyết định cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày được Saudi Arabia áp dụng bắt đầu vào tháng 7. Sau đó, cam kết này được mở rộng sang tháng 8.

Trong thông báo phát đi hôm 3-8, Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết quyết định gia hạn cắt giảm sản xuất tự nguyện là nhằm củng cố nỗ lực bình ổn thị trường dầu của các đối tác trong liên minh OPEC+, gồm các nước của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bên ngoài do Nga dẫn đầu.

Cùng ngày, Nga tuyên bố sẽ giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9. Trước đó, Nga đã thông báo giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8.

OPEC+, nơi cung cấp 40% sản lượng lượng dầu thô của thế giới, đã hạn chế nguồn cung kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ thị trường.

OPEC+ đã thực hiện cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày, chiếm 3,6% nhu cầu toàn cầu, bao gồm 2 triệu thùng/ngày kể từ cuối vào năm ngoái và cắt giảm tự nguyện 1,66 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4-2023 v đến tháng 12-2024. Tiếp đó, Saudi Arabia quyết định đơn phương cắt giảm sản xuất 1 triệu thùng/ngày trên cơ sở tự nguyện kể trong tháng 7. Tuy nhiên, giá dầu chỉ bật dậy trong thời gian ngắn ngủi rồi suy giảm trở lại, buộc Saudi Arabia gia hạn cam kết cắt giảm sản xuất sang tháng 8.

Saudi Arabia đang dựa nguồn thu xuất khẩu năng lượng để để tài trợ cho chương trình cải cách đầy tham vọng có thể chuyển nền kinh tế của nước này ra khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arbia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman al-Saud lần đầu tiên tuyên bố cắt giảm sản xuất tự nguyện sau cuộc họp tháng 6 của liên minh OPEC +, ông lưu ý quyết định này có thể gia hạn.

Theo Công ty Jadwa Investment có trụ sở tại Riyadh (Saudi Arabia), có những dấu hiệu cho thấy việc cắt giảm nguồn cung gần đây đang bắt đầu có hiệu quả mong muốn, với giá dầu đang “tăng lên”

“Dầu Brent ở London được giao dịch ở mức giá khoảng 85 đô la (mỗi thùng) vào cuối tháng 7, tăng khoảng 10 đô la so với đầu tháng”, báo cáo của Jadwa Investment cho biết.

Giá dầu Brent tăng 2% trong phiên giao dịch hôm qua và đang hướng đến tuần tăng giá thứ 6 liên tiếp, đánh dấu mạch tăng theo tuần dài nhất trong năm nay.

Tuy nhiên, Jamie Ingram, biên tập viên cao cấp của Cơ quan Khảo sát Kinh tế Trung Đông (MEES), nói với AFP rằng, “Riyadh muốn thấy giá cao hơn trong một thời gian dài trước khi phục hồi sản xuất. Những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang bao trùm thị trường dầu mỏ”

Tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco của Saudi Arabia, ghi nhận khoản lợi nhuận tổng cộng 161,1 tỉ đô la vào năm ngoái, giúp Riyadh đạt thặng dư ngân sách hàng năm lần đầu tiên trong gần một thập niên.

Nhưng khi giá dầu đã giảm đáng kể so với mức trên 120 đô la/thùng sau chiến sự Ukraine, các hoạt động dầu mỏ của Saudi Arabia trong quí 2 giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó,  các hoạt động phi dầu mỏ tăng 5,5% trong cùng kỳ, giúp GDP của đất nước tăng trưởng 1,1% trong quí vừa qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này chậm lại đáng kể so với 3,5% trong quí trước và 11,2% trong cùng kỳ năm ngoái.

Với triển vọng kinh tế toàn cầu bị đe dọa do dữ liệu yếu kém của Trung Quốc và lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ, Riyadh không có dấu hiệu nới lỏng các hành động siết chặt thị trường dầu. Bloomberg Economics nhận định, Saudi Arabia có thể cần giá dầu Brent tăng lên tới 100 đô/thùng để trang trải chi tiêu của chính phủ.

“Thị trường cho rằng mức sản xuất hiện tại của Saudi là một mức sàn cứng, nhưng nước này báo hiệu sản lượng có thể giảm hơn nữa cho đến khi tồn kho dầu trên toàn cầu giảm và thị trường ổn định”, Christyan Malek, người đứng đầu bộ phận chiến lược năng lượng toàn cầu của ngân hàng JPMorgan, nói.

Quyết định gia hạn cắt giảm sản xuất dầu của Saudi Arabia không nằm ngoái dự đoán của các thương nhân và nhà phân tích.

Nhưng cách tiếp cận của Riyadh vấp phải sự chỉ trích từ các nước phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Họ lo ngại, chi phí nhiên liệu tăng cao có thể gây ra một đợt lạm phát khác đối với người tiêu dùng, làm tiêu tan nỗ lực hạ nhiệt giá cả của các ngân hàng trung ương thông qua chính sách thắt chặt tiền tệ.

Hành động cắt giảm sản xuất để bảo vệ thị trường khiến Saudi Arabia trả giá về kinh tế do doanh thu xuất khẩu năng lượng suy giảm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo vương quốc này chỉ tăng trưởng 1,9% trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng ấn tượng của năm ngoái.

Theo AFP, Bloomberg

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới